Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Uống thuốc kháng sinh như nào cho đúng mọi người cần lưu ý nhé



Uống thuốc kháng sinh không đúng cách có thể làm cơ thể bạn mất đi các khả năng phòng chống bệnh tật mà bẩm sinh vốn có. Nó không hẳn đã diệt được mầm bệnh mà còn “gây thù chuốc oán” với vi khuẩn, khiến chúng liên tục tăng cường khả năng thích nghi và cuối cùng sẽ trở thành các chủng kháng thuốc nguy hiểm, không thể diệt được bằng phương pháp thông thường. Đến lúc đó thì bạn gặp nguy rồi.

Trên thế giới, người ta đã phát hiện ra nhiều chủng siêu kháng thuốc, ví dụ: siêu khuẩn gây bệnh lậu mới H041, tụ cầu khuẩn kháng MethicillinMRSA… Gần 30 năm nay không có thêm loại kháng sinh nào mới được đưa ra thị trường. Các loại cũ thì đang nhanh chóng trở nên vô hiệu trước hàng loạt vi khuẩn kháng thuốc, ngay cả đối với những loại đơn giản nhất. Do đó việc dùng kháng sinh thật không đơn giản, và chắc chắn là vấn đề này có liên quan đến bạn, bởi vì ai mà chẳng đã từng (hoặc sẽ) dùng kháng sinh. Cho dù đã quen với kháng sinh, bạn cũng nên thực sự kiểm tra lại xem quan niệm của mình về kháng sinh có đúng không nhé.

Không nên tự ý sử dụng kháng sinh

Tại nhiều nước trên thế giới, bạn sẽ chỉ mua được kháng sinh ở nhà thuốc khi có đơn của bác sĩ. Ở Việt Nam thì ngược lại, việc mua kháng sinh, thậm chí nhiều thuốc độc khác khá dễ dàng. Nhiều người có thói quen tự mua thuốc theo kinh nghiệm, hoặc coi người bán thuốc giống như bác sĩ vừa khám vừa bán thuốc. Nếu bạn có vấn đề sức khỏe và mang ra hỏi người bán thì xác suất bạn ra về với một túi thuốc trong đó có kháng sinh là khá cao. Việc bán được nhiều thuốc để đạt mục tiêu doanh số, kiếm được nhiều lợi nhuận là bài toán của các công ty thuốc, cửa hàng thuốc và người bán thuốc. Còn việc của bạn là phải giữ được sức khỏe và chi ít tiền thôi.

Luật quy định điều kiện để mở cửa hiệu thuốc là cần có bằng dược sĩ, nhưng nhiều hiệu thuốc đi thuê dược sĩ nào đó đứng danh, còn gọi là thuê bằng. Còn chuyên môn thì do những người không phải là dược sĩ đảm nhận. Bạn nghi ngờ thông tin này? Chỉ cần gõ cụm từ “thuê bằng dược sĩ” trong google là sẽ ra ngay cả giá cho thuê! Sức khỏe là vàng, bạn đừng mang vàng đi đùa giỡn như vậy nhé.

Tuân thủ đúng thời gian điều trị

Đứng từ góc độ người bán thuốc, thì rõ ràng là thời gian dùng thuốc càng dài thì càng có lợi. Nhưng thực tế chỉ cần 5-7 ngày cho một đợt điều trị. Cũng có thể dài ngày hơn nhưng đó là theo chỉ định của bác sĩ. Sự thực là chẳng mấy ai yêu thích mấy viên kháng sinh có vị đắng ngắt, uống vào còn bị cồn cào ruột gan, “nóng” trong người… Tâm lý nhiều người thấy triệu chứng bệnh thuyên giảm là muốn ngưng thuốc, điều này có thể làm cho việc điều trị gặp khó khăn thêm, vì vi khuẩn chưa bị diệt hẳn sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Không nên dùng lại kháng sinh đã dùng còn thừa

Nếu bạn theo đúng phác đồ điều trị thì về nguyên tắc sẽ không còn thừa nhiều thuốc. Khi dùng lại thuốc thừa từ lần trước hoặc của người khác, có thể thuốc đã hết hạn sử dụng, hoặc được bảo quản không đúng cách nên hiệu quả không còn như ban đầu. Hơn nữa, các triệu chứng bệnh có vẻ giống nhau nhưng nguyên nhân bệnh có thể khác nhau (vì vậy bạn mới cần đi khám bác sĩ!). Hoặc thậm chí, lần trước bác sĩ cho thuốc đó, nhưng hiện giờ thuốc đó đã bị kháng rồi, không dùng được nữa…

Không đưa thuốc của mình cho người khác




Cũng sẽ giống như trên đã nói, triệu chứng bệnh có vẻ giống nhau, nhưng nguyên nhân gây bệnh có thể khác nhau, do đó cần mua thuốc mới. Một số thuốc có thể hợp với người này nhưng không dùng được cho người khác, chưa kể các vấn đề phản ứng phụ với thuốc, dị ứng với thuốc…

Việc dùng thuốc cũng là bất đắc dĩ. Tây dược xuất hiện bất quá cũng chỉ là vài chục năm nay, đến nay thì những mặt yếu kém, tác dụng phụ nguy hiểm mà nó gây ra càng ngày càng lộ rõ. Để bảo vệ sức khỏe thì dưỡng sinh phòng ngừa vẫn là bước đầu tiên. Xưa kia chỉ dùng cây cỏ quanh nhà mà cũng giải quyết được rất nhiều bệnh, đó là bài học đáng quý cho chúng ta suy xét lại, nhất là trong thời buổi hiện nay khi có nhiều bác sĩ cũng chẳng muốn nói đến y đức nữa.

Hãy luôn nhớ rằng cơ thể chúng ta không hoạt động như một chiếc máy, mà thực sự vô cùng thông minh. Mỗi người đều có khả năng tự bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh, có khả năng tự điều chỉnh và làm lành các vết thương ở một mức độ nhất định. Hệ thống miễn dịch luôn sẵn sàng nhận diện các yếu tố nguy hiểm đến cơ thể và đề xuất giải pháp xử lý rất nhanh chóng. Chỉ khi vượt quá khả năng tự điều chỉnh của cơ thể thì mới cần đến sự can thiệp của thuốc.

Minh Thành

Nhãn: